Hành trình lính tăng 380 đến Dinh Độc Lập
VHO- “Tuấn mã sứt môi” 380 hòa vào đội hình Thê đội 2 Binh đoàn thọc sâu và chúng tôi đã có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975. Vậy là tôi đã thỏa ước mơ làm người chiến sĩ xe tăng…
Xe tăng 380 vào Dinh Ðộc Lập trưa 30.4.1975
Tháng 5.1971, tôi tốt nghiệp cấp 3 (giờ là THPT). Tháng 7.1971, tôi đi thi đại học, kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, khi lên Ban tuyển sinh của huyện hỏi thì được câu trả lời: “Gia đình chưa có người đóng góp. Phải đi bộ đội đã, về học sau!”. Tôi nghĩ đó cũng là điều công bằng, với lại suốt từ khi học cấp 2, chúng tôi đã phải học dưới nhà hầm, các bài học thường xuyên đứt đoạn bởi báo động máy bay Mỹ nên tôi coi việc lên đường đánh đuổi chúng đi là một lẽ đương nhiên. Những ngày chờ đợi để đủ tuổi nhập ngũ, tôi chỉ có một ước mơ là được làm người lính xe tăng, chắc do ảnh hưởng của bộ phim Chiến công Pha- khát của Liên Xô thời đó.
“Cầu được, ước thấy”, tháng 12.1971 tôi nhập ngũ vào binh chủng Thiết giáp và được chọn đi học lái xe tăng. Tháng 3.1972, mặc dù chưa hoàn thành khóa đào tạo, chúng tôi đã lên đường ra chiến trường. Chiều muộn ngày 2.4.1972, đơn vị chúng tôi có lệnh vượt sông Bến Hải. Trong ánh hoàng hôn đỏ rực, đoàn xe tăng thiết giáp bơi nước của Trung đoàn xe tăng 202 hùng dũng đè sóng Cửa Tùng sang bờ Nam hiệp đồng cùng bộ binh đánh Đông Hà. Thật tiếc, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi đã không hoàn thành. Do địa hình lạ lẫm, nhiều chướng ngại, đoàn xe cơ động chậm nên phải giấu quân trên một bãi cát trơ trọi ven làng Vinh Quang Thượng (Gio Linh, Quảng Trị) và bị không quân địch phát hiện, oanh tạc suốt buổi chiều. Các chiến sĩ xe tăng đã kiên cường đánh trả bắn rơi 1 máy bay song do địch làm chủ bầu trời nên đã bị tổn thất nặng nề.
Ngày 16.4.1972, tôi nhận quyết định chuyển về Đại đội XT3 để đi độc lập vào Tây Thừa Thiên. Tại đây, tôi được phân công làm lái phụ chiếc xe tăng K63-85 số hiệu 762. Theo ý định cấp trên, đây sẽ là mũi vu hồi vào sườn tây thành phố Huế để nếu thuận lợi thì giải phóng Trị- Thiên ngay trong năm 1972. Để đến được khu vực tập kết tại thung lũng A Lưới, chúng tôi sẽ phải vượt Trường Sơn sang Lào, hành quân trên đất Lào chừng 200 km rồi lại vượt Trường Sơn lần nữa để trở về Việt Nam. Đây là cuộc hành quân vô cùng gian khổ, khó khăn bởi hai lần phải vượt Trường Sơn trên những con đường quân sự làm gấp lại bị không quân Mỹ chặn đánh thường xuyên. Ngày 15.5.1972, đại đội chúng tôi bị máy bay AC130 chặn đánh. Lái xe 724 Nguyễn Xuân Cửu hy sinh. Tôi được chỉ định thay anh lái chiếc 724 này. Nhưng rồi khi vừa vượt qua dốc Con Mèo quay trở về đất Mẹ thì đến lượt tôi bị thương vì một quả bom vướng nổ. Đó là rạng sáng ngày 1.7.1972.
Sau khi đưa tôi vào Đội phẫu tiền phương của Binh trạm 41 Đoàn 559 cùng với một “Giấy chứng nhận bị thương” viết tay không dấu má, các đồng đội tôi tiếp tục hành quân. Được các bác sĩ, y tá của đội phẫu điều trị, chăm sóc tận tình cộng với sức trẻ tôi đã hồi phục rất nhanh. Tuy nhiên, lúc này tôi rơi vào một tình thế khá gay go: Đơn vị đã đi xa, không biết ở đâu mà tìm về, trong khi đó nếu quay ra Bắc thì trong tay chỉ duy nhất tờ giấy viết tay do đồng chí đại đội phó ký, quân tư trang chỉ có mỗi bộ quần áo mặc trên người cùng với chiếc võng, đến giày dép cũng không có, ai sẽ làm chứng cho mình không phải một kẻ “B quay”?
Nhà văn, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt
Trong lúc đấu tranh tư tưởng gay go, quyết liệt ấy tôi phong thanh nghe thấy anh em thương binh mới nói chuyện với nhau là có một đơn vị xe tăng mới vào đang
đóng quân tại km 108! Chỗ ấy cách đội phẫu tôi nằm chừng 40 km. Quãng đường ấy nếu là bây giờ thì thật là dễ dàng nhưng ở trong chiến trường thì không đơn giản chút nào. Tuy vậy, tôi vẫn quyết tâm tìm về đơn vị, nếu không được sẽ quay trở lại để ra Bắc cùng với anh em đội phẫu. Và thật may, sau 4 ngày lặn lội tôi đã được trở về vòng tay đồng đội. Nhưng lúc này, mùa mưa đã đến, thời cơ đánh xuống Huế cũng đã qua, đại đội chúng tôi cùng với Đại đội XT4 sáp nhập thành Tiểu đoàn XT 408 trực thuộc Mặt trận B4 (Trị Thiên).
Tháng 5.1973, tôi được điều sang Đại đội XT 4. Tại đây, tôi nhận chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 380. Chiếc xe này trên đường hành quân vào, khi cứu kéo nhau đã bị một chiếc xe khác chồm lên, băng xích của xe kia đã cào nát lá chắn bùn bên trái và đè bẹp ống xả, phải đục ra thì động cơ mới hoạt động được. Bởi vậy, tiếng động cơ của nó cứ phèn phẹt nên anh em trong đơn vị gọi vui nó là “Tuấn mã sứt môi”. Mặc dù vậy, tôi vẫn vô cùng yêu quý nó và săn sóc nó với một tình cảm đặc biệt.
Hành quân thần tốc
Ngày 20.3.1975, chúng tôi nhận lệnh đi chiến đấu. Ngày 23.3, Đại đội XT 4 của tôi đã cùng bộ binh tiến công cứ điểm Núi Bông, một cứ điểm có vị trí quan trọng, án ngữ phía Tây - Nam Huế. Sáng 25.3, chúng tôi chiếm chi khu quân sự La Sơn và tiến đánh thành phố Huế từ phía Nam. Song địch đã phá cầu An Nông nên quá trưa hôm đó chúng tôi mới chiếm được thành Mang Cá, Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn. Sau đó, chúng tôi truy kích địch ra cửa Thuận An, thu giữ hàng trăm phương tiện, bắt giữ hàng nghìn tù binh, hàng binh. Nửa đêm về sáng 29.3.1975, chúng tôi nhận lệnh cơ động đánh Đà Nẵng theo quốc lộ 1. Lại một lần, cây cầu Thừa Lưu bị phá đã cản bước chúng tôi. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã rất quyết đoán khi cho xe tăng vượt qua cầu đường sắt. Nhờ vậy, chiều hôm đó chúng tôi đã tiến vào chiếm Thương cảng Bạch Đằng rồi trụ lại nội đô, góp phần bảo đảm an ninh cho thành phố mới giải phóng. Tiếp đó, chúng tôi củng cố xe máy, vũ khí để chuẩn bị cơ động về phía Nam, giải phóng phần còn lại của đất nước.
Ngày 14.4.1975, theo mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân “Thần tốc” về phía Nam. Mặc dù cơ động theo đường quốc lộ 1 song do hàng chục cây cầu bị địch phá trước khi rút chạy, thỉnh thoảng lại bị máy bay địch ngăn chặn nên cuộc hành quân này cũng hết sức vất vả, gian nan. Tuy nhiên, tôi thấy thật là hạnh phúc khi được đặt chân đến những miền đất vừa quen, vừa lạ. Quen bởi đã nghe, đọc trên sách báo từ lâu. Lạ bởi bây giờ mới đến nhưng như thân thuộc tự bao giờ. Tôi đã được nếm món rau sống thập cẩm ngon đến lạ lùng của các “má chiến sĩ” Quảng Ngãi. Tôi đã tận mắt thấy những rừng dừa xanh mướt và ngửa cổ ừng ực tu thứ nước dừa Tam Quan ngọt lịm. Một chiều đã muộn, tôi qua quê hương kết nghĩa Phú Yên, cố định tay dầu kệ cho xe chạy trên cầu Đà Rằng thẳng tắp để say sưa ngắm hoàng hôn tím thẫm nơi cửa sông ra biển. Tôi cũng đến xứ sở Tháp Chàm, lòng đầy thán phục khi ngắm những ngôi tháp cô liêu, huyền bí trong ánh trăng mờ ảo...
Xe tăng 380 vào giải phóng Ðà Nẵng, 29.3.1975
Sau gần 10 ngày hành quân và “không nhớ mình đã ngủ lúc nào”, chúng tôi đã đến địa bàn Đồng Nai, khu vực tập kết để chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Theo nhiệm vụ trên giao, Đại đội XT 4 chúng tôi nằm trong Thê đội 1 Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2, có nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập. Chiến trường mới lạ lại không có bản đồ, chúng tôi nhớ nằm lòng câu: “Qua cầu Thị Nghè, đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái là đến Dinh Độc Lập”. Nhưng rồi tuyến phòng ngự vòng ngoài tại Nước Trong quá cứng nên các đơn vị làm nhiệm vụ “bóc vỏ” không thể xuyên qua. Ngày 28.4.1975, xe 380 của tôi nhận lệnh tăng cường cho bạn tiến công Nước Trong. Không còn gì để mất, quân địch chống cự quyết liệt. Trưa hôm đó, xe tôi trúng một viên đạn pháo, tháp pháo bị thủng, súng 12 ly 7 bay mất, súng đại liên K53 hỏng, pháo hai Nguyễn Kim Duyệt hy sinh, trưởng xe Nguyễn Đình Luông bị thương nặng đi viện. Sang ngày 29.4, cả Đại đội XT 4 chúng tôi lên đánh mới chọc thủng Nước Trong.
Vũ khí tổn thất nặng, xe chỉ còn hai người song chúng tôi không bỏ cuộc. “Tuấn mã sứt môi” 380 hòa vào đội hình Thê đội 2 Binh đoàn thọc sâu và chúng tôi đã có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975. Vậy là tôi đã thỏa ước mơ làm người chiến sĩ xe tăng. Hơn thế nữa, trên hai băng xích thép, tôi đã thực hiện chuyến hành quân thần tốc dọc chiều dài đất nước và đã đến đích cuối cùng. Đứng giữa sân dinh, lòng tôi ngập tràn những cảm xúc vô cùng khó tả: sung sướng, vinh dự tự hào song cũng hết sức đau xót, thương tiếc biết bao những người đồng đội đã ngã xuống trong cuộc trường chinh này…
Ngày 14.4.1975, theo mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân “Thần tốc” về phía Nam. Mặc dù cơ động theo đường quốc lộ 1 song do hàng chục cây cầu bị địch phá trước khi rút chạy, thỉnh thoảng lại bị máy bay địch ngăn chặn nên cuộc hành quân này cũng hết sức vất vả, gian nan. Tuy nhiên, tôi thấy thật là hạnh phúc khi được đặt chân đến những miền đất vừa quen, vừa lạ. Quen bởi đã nghe, đọc trên sách báo từ lâu. Lạ bởi bây giờ mới đến nhưng như thân thuộc tự bao giờ. |
Nhà văn, đại tá NGUYỄN KHẮC NGUYỆT